“Fair-play” khẩu hiệu chung mà FIFA đưa ra như một thứ định hướng, quy tắc chung cho môn thể thao Vua, cho nghề nghiệp của tất cả những người liên quan. Bóng đá là đua tranh, là thắng thua và thành tích nhưng vẫn phải trên cái nền “chơi đẹp”. Hay nói rõ hơn, đó là có văn hóa: Văn hóa bóng đá.

V.League có nhạc hiệu độc quyền từ mùa giải 2022
Văn hóa đá bóng ở V.League
Những ngày cuối tháng 3, tiết trời vẫn đủ lạnh để ra đường cần mặc thêm chiếc áo khoác. Sau hơn 1 tháng rưỡi gián đoạn, V.League trở lại trong sự háo hức của cổ động viên. Đặc biệt là sau chiến thắng giòn giã của U23 khi tiến thẳng vào vòng chung kết U23 Châu Á năm 2022.

Bước khởi đầu mới của V.League 2022
V.League lâu nay vẫn nổi tiếng về độ nóng và sự quyết liệt nhưng đột nhiên, trong 3 tuần trở lại đây, “nhiệt độ” tăng một cách đột biến. Chuyện xuất phát từ tình huống Ngô Hoàng Thịnh tranh chấp bóng bằng 2 chân, phạm lỗi khiến Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 Đỗ Hùng Dũng gãy chân và phải phẫu thuật. Một tuyển thủ quốc gia mất nhiều tháng để hồi phục, một cầu thủ mất nhiều tháng xa sân cỏ với án kỷ luật nặng, chịu búa rìu dư luận cùng tiếng xấu về một “gã đồ tể”.
Nhưng, điều đáng nói là pha bóng vi phạm nguyên tắc gây chấn thương khiến dư luận rúng động hay án kỷ luật tính bằng tháng mà Ban kỷ luật VFF đưa ra dường như không có chút tác động nào, cũng không thể là hồi chuông cảnh tỉnh. Chơi bóng ở V.League, dường như là câu chuyện “dính đến ai, ai đen thì phải chịu”! Sau cú vào bóng của Hoàng Thịnh là một loạt sự việc mà tựu chung lại nằm ở khía cạnh thất bại của “văn hóa đá bóng”. Những hành động không liên quan và đi ngược hẳn với lá cờ in dòng chữ “My game is Fair Play” được mang ra trước mỗi trận đấu.
Tất nhiên, không có “chơi đẹp tuyệt đối”, bởi bóng đá có va chạm, phạm lỗi và tiểu xảo cùng muôn vàn tình huống. Nhưng nên nhớ rằng, tiểu xảo và phạm lỗi khác với bạo lực. Nếu như tiểu xảo là một thứ kỹ năng thể hiện sự khôn ngoan trong tình huống nào đó thì bạo lực tồn tại trong ý thức, thậm chí là bản chất. Không thể đánh đồng những hành động “giật cùi chỏ” hay “vào bóng 2 chân”… vào cái gọi là tiểu xảo, va chạm đối kháng để bào chữa.

Sao Real công khai xin lỗi Morata sau cú vào bóng triệt hạ
Hãy lấy một ví dụ, khi 2 câu lạc bộ Real và Atletico tranh Siêu Cúp Tây Ban Nha vào tháng 1.2020. Ở cuối hiệp phụ thứ 2, khi Alvaro Morata nhận bóng băng xuống, chuẩn bị đối mặt thủ môn, Federico Valverde đuổi theo và thực hiện một cú xoạc, đốn ngã tiền đạo người Tây Ban Nha. Dĩ nhiên là thẻ đỏ cho người phạm lỗi, các cầu thủ Atletico nổi nóng, tranh cãi nhưng chuyện chỉ dừng lại ở đó. Cuối cùng, Real Madrid giành Cúp sau loạt luân lưu, còn huấn luyện viên Diego Simeone của Atletico thì miêu tả quyết định của Valverde “là khoảnh khắc quan trọng nhất trận đấu” mà không hề chỉ trích hay đòi hỏi án phạt nào.
Trên thực tế, cầu thủ 22 tuổi người Uruguay thậm chí còn nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận và sau đó nhận án treo giò 1 trận. Đó là vì chiếc thẻ đỏ chứ không phải pha phạm lỗi có tính chất nguy hiểm, khi Valverde dùng phần dưới bắp chân tác động vào phía ngoài bắp chân của Morata. Nó không gây ra chấn thương.
Nói theo bản năng tự nhiên, kẻ mạnh dùng sự hung hăng để thể hiện vị thế, kẻ yếu phải xù lông để không chịu lép vế. Điều đó không sai, nhưng trong môi trường nghề nghiệp, biến nó thành “kim chỉ nam” cho hành động là thất bại của một cá nhân nói riêng, của tập thể đội bóng và thậm chí là cả một nền bóng đá nói chung nếu lối chơi bạo lực, tràn lan không được ngăn chặn.
Văn hóa ứng xử với trọng tài
Chuyện “văn hóa đá bóng” thuộc về các cầu thủ trên sân nhưng vẫn là nội hàm của “văn hóa bóng đá”, thứ mà tất cả những người có mặt trên sân, từ cổ động viên, huấn luyện viên, Ban huấn luyện… đều liên quan. Cách mà huấn luyện viên Simeone chấp nhận thực tế là một phần của văn hóa bóng đá.

Văn hóa ứng xử với trọng tài luôn là điều được đặt lên hàng đầu
Có rất nhiều câu chuyện của bóng đá thế giới liên quan đến quyết định của trọng tài, nhưng phần nhiều, các cầu thủ luôn đặt quy tắc nghề nghiệp lên hàng đầu, đó là sự tôn trọng. Họ có thể to tiếng và phát biểu điều gì đó sau trận đấu (rồi có thể nhận án phạt) nhưng không có chuyện chạm vào người trọng tài.

Siêu sao Messi được giới báo chí quan tâm rất nhiều về văn hóa ứng xử trong bóng đá
Ở đây chỉ nói đến việc “chạm” chứ không phải xô đẩy, lôi kéo hay nặng nề hơn là húc đầu, gây tổn thương cho trọng tài. Những hành vi như thế luôn nhận án phạt rất nặng, chẳng hạn như Cristiano Ronaldo bị treo giò 5 trận vì hành động đẩy trọng tài năm 2017: 1 trận do thẻ đỏ, 4 trận do lỗi hành vi tác động đến trọng tài.
Đành rằng, khát khao chiến thắng và thành tích tạo nên áp lực, nhưng bóng đá cũng như nhiều khía cạnh khác, đều có luật chơi, có con người, để sự tôn trọng cần được thể hiện trên cái nền văn hóa và trong cách hành xử chuyên nghiệp.