Những năm gần đây, fan điện ảnh dường như nhận ra một sự tương đồng đến kỳ lạ trong nhiều bom tấn Hollywood, đặc biệt là các bộ phim mang nặng tính giải trí, cháy nổ đùng đoàng: sự xuất hiện đầy gượng ép, gò bó và không cần thiết của con người, nền văn hóa Trung Quốc. Mulan – bộ phim được đầu tư nặng tay của Disney cũng cho thấy rõ nỗ lực của Nhà Chuột trong việc làm hài lòng những khán giả khó tính xứ tỉ dân, bất chấp việc phải đánh đổi sự tẩy chay, ghét bỏ của khán giả nước khác.
Chuyện về kinh đô điện ảnh Hollywood nỗ lực chiều “người tình” Trung Quốc đặt ra câu hỏi: liệu điều này có làm điện ảnh phải… đi lùi?
- 5 cách “chữa sạn” hài hước của phim Hollywood: Xoá “chỗ kín” của nam thần Call Me By Your Name bằng kỹ xảo, ghê chưa!
- Mulan rục rịch công phá rạp Trung Quốc, mặc cho phần lớn thế giới xem “stream”
- Vụ phim Netflix cố tình chú thích cảnh Hội An thành địa danh Trung Quốc: Cơ quan chức năng Hội An nói gì?

Mulan – một bộ phim Mỹ về Trung Quốc phải chấp nhận hứng chịu nhiều chỉ trích để được chiếu tại thị trường tỉ dân
Từ bom tấn siêu anh hùng của Marvel đầy hào nhoáng cho đến những bộ phim du hành vũ trụ, khoa học viễn tưởng, người xem đều thấy lấp đó đâu đó (hoặc thậm chí là rõ rành rành) sự can thiệp của yếu tố Trung Hoa. Nó có thể xuất hiện trong hành trình giúp đỡ nhân vật chính hay thậm chí là cả những thay đổi nhạy cảm, vô duyên nhằm làm hài lòng thị trường tỉ dân.
Từng xưng bá thiên hạ, bây giờ Hollywood lại chịu cúi đầu như chồng sợ vợ?
Điện ảnh Hollywood bao lâu nay đã được biết đến như kẻ giữ “ngôi vương”, xưng bá thiên hạ chưa từng sợ một ai. Hollywood từng là tấm gương sáng lung linh, là ước mơ và khao khát của biết bao nhà làm phim suốt nhiều thế hệ. Giờ đây, chúng ta thấy một kẻ bị ma lực của đồng tiền bóp méo thành dị dạng, nằm rạp dưới chân thị trường Trung Hoa mặc cho bị giày xéo và bắt nạt liên hồi.

Hollywood lại chịu cúi đầu như chồng sợ vợ
Thực chất, xem xét tiềm lực kinh tế khổng lồ của Trung Hoa thì đây là một điều không thể tránh khỏi. Năm ngoái, doanh thu tổng cộng của đất nước này cho điện ảnh là 21 tỉ đô la – ngang ngửa 1 nửa số tiền điện ảnh thu về trên toàn cầu. Thị trường Trung Quốc cũng mang về 1/4 trong 2,79 tỉ đô tổng doanh số của Avengers: Endgame, giúp bộ phim trở thành bom tấn bội thu nhất lịch sử điện ảnh thế giới.

Thị trường Trung Quốc mang về 1/4 trong 2,79 tỉ đô tổng doanh số của Avengers: Endgame
Hollywood đã rất nỗ lực để xâm nhập vào thị trường đất nước tỉ dân
Hollywood đã rất nỗ lực để xâm nhập vào thị trường đất nước tỉ dân từ những năm 1990. Lúc bấy giờ, chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép chiếu 10 bộ phim nước ngoài mỗi năm, tất cả đều trải qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Giờ đây con số này đã tăng lên 34 với điều kiện tất cả phải tuân theo tỉ lệ ăn chia riêng của Trung Quốc. Cụ thể, các hãng phim Mỹ chỉ được nhận 25% tổng số tiền thu được từ việc bán vé – một con số thấp kinh hồn khi so sánh với các nước khác.
Vẫn còn cách để lách luật. Nhiều nhà sản xuất lựa chọn phương án “đồng sản xuất” với những tập đoàn điện ảnh Trung Hoa. Kung Fu Panda 3 là một sản phẩm thành công giữa sự hợp tác của DreamWorks Animation từ Mỹ và Oriental DreamWorks đặt tại Thượng Hải, thu về 154 triệu đô tại Trung – gần 1/3 tổng doanh số toàn cầu. Tử chiến Trường Thành– một bộ phim đồng sản xuất giữa 2 nước với Matt Damon và Cảnh Điềm tham gia dù bị ghẻ lạnh tại Mỹ nhưng vẫn hồ hởi lật ngược tình thế ở Trung Hoa, mang về tận 150 triệu đô chỉ riêng tại thị trường này.

Kung Fu Panda 3 là một sản phẩm thành công giữa sự hợp tác của DreamWorks Animation từ Mỹ và Oriental DreamWorks
Phải đánh đổi những gì cho lợi nhuận?
Bạo lực, tình dục, đồng tính và các chi tiết nhạy cảm liên quan tới chính trị, mâu thuẫn tôn giáo là những thứ tối kỵ với hội đồng kiểm duyệt phim tại Trung. Deadpool và Call Me by Your Name mặc dù được ca ngợi nhưng đều bị cấm chiếu tại Trung vì những lý do trên. Hơn hai phút của phân đoạn đồng tính trong Bohemian Rhapsody cũng bị chính quyền Trung Quốc cho thẳng ra sọt rác để phim được chiếu tại thị trường nội địa. Năm 2018, bộ phim hoạt hình Christopher Robin của Disney lại “ăn gậy” vì nhân vật Pooh được xem như có sự tương đồng với quan chức cấp cao tại đất nước này. Cái giá của việc đi ngược lại quy định của Trung Quốc chính là việc mất đi một mảng doanh thu khổng lồ
Những anh hùng Marvel dù hùng mạnh đến đâu cũng phải nhún nhường Trung Quốc. Trong bộ phim Doctor Strange, nhân vật Cổ Lão Nhân vốn được truyện tranh miêu tả là người Tây Tạng. Tuy nhiên do vấn đề chính trị nhạy cảm, Marvel đành ngậm ngùi đưa vai diễn cho Tilda Swinton người da trắng và nhận chỉ trích vì hành động “whitewash” (để người da trắng đóng nhân vật da màu). Đổi lại cho hành động phản cảm này là con số đồ sộ 109 triệu đô thu về từ Trung Quốc cho Doctor Strange.

Phạm Băng Băng từng rất chăm chỉ đi họp báo và trả lời phỏng vấn cho vai diễn của mình trong bom tấn X-Men, nhưng sau đó fan tá hỏa nhận ra chị chỉ xuất hiện loáng thoáng trong phim trước khi bị kết liễu nhanh gọn
Một số bộ phim còn thiếu khéo léo hơn. Nếu như chúng ta từng thấy Phạm Băng Băng lấp ló trong X-Men: Days of Future Past với 1 câu thoại trước khi chết tức tưởi thì The Martian – bộ phim với sự tham gia của nam diễn viên Matt Damon nhanh trí đặt ngay một vài nhân vật Trung Quốc vô danh vào cao trào của phim, coi họ như những “thánh nhân” với công nghệ tân tiến, dễ dàng xử lý vấn đề mà Mỹ tốn gần 2 tiếng phim không giải quyết được.
Bom tấn Skyscraper của tài tử The Rock thậm chí còn tô vẽ Trung Quốc như một cường quốc hàng đầu thế giới khi sở hữu tòa tháp chọc trời tối tân, hiện đại nhất (nhưng lúc sau thì phát nổ đùng đoàng). Bộ phim này được dân Trung Hoa yêu quý nhưng khán giả quốc tế lại chẳng buồn nhìn bằng nửa con mắt, coi như thứ phim giải trí xoàng xĩnh không có gì đặc biệt.
Điện ảnh giải trí sẽ đi lùi về thời đồ đá?
Quy định kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc đẩy nhiều bộ phim Hollywood lùi lại nhiều năm về trước, về cái thời mà xã hội còn đầy định kiến và phim ảnh giải trí đại chúng – một trong những công cụ mang tính tuyên truyền mạnh mẽ nhất – giờ đây trở thành thứ đồ tiêu khiển, mua vui vô não không để lại ấn tượng gì. Giống như trường hợp của Doctor Strange, những giọng nói, gương mặt, dân tộc, những nhóm thiểu số được Trung Quốc coi là “nhạy cảm” sẽ sớm bị tước bỏ sự hiện diện trong điện ảnh thế giới nói riêng, và trong sự hiểu biết của nhân loại nói chung.
“Những bộ phim chiến tranh lịch sử như Seven Years in Tibet (nói về người Trung Quốc đàn áp và gây ra bạo lực tại Tây Tạng) sẽ không còn nữa”, theo lời ông Larry Shinagawa – giáo sư tại Cao đẳng Quốc tế Hawaii Tokai, vì chẳng nhà sản xuất nào muốn làm mất đi suất chiếu phim đầy béo bở tại đại lục. Sự hậu thuẫn và ủng hộ của các công ty lẫn người dân Trung Quốc có thể biến một tác phẩm thất bại tại phòng vé quốc tế thành bom tấn gom vàng gom bạc.
Còn nhớ khi biên kịch và đạo diễn của Pixels định thực hiện một phân cảnh người ngoài hành tinh xâm lăng và bắn thủng một lỗ trên Vạn Lý Trường Thành, đoạn email bị lộ của lãnh đạo Sony cho thấy hãng này đã hớt hải ngăn lại ý tưởng này vì sợ phim sẽ bị làm khó khi ra mắt tại Trung Quốc. Thay vào đó, họ chuyển sang bắn nổ Taj Mahal.

Đoạn email bị lộ của Sony cho thấy hãng này đã lo sốt vó trước phân đoạn liên quan tới Vạn Lý Trường Thành
Giữa thời kỳ bão hòa của những cảnh đấu súng, bom nổ đạn bay ô tô lật nhào vài chục mét, khán giả lại rảo mắt đi tìm những thông điệp và ý nghĩa trong phim trước khi kết luận đây có thực sự là một tác phẩm đáng xem. Nhưng rào cản kiểm duyệt xứ Trung Hoa liệu có để lộ kẽ hở nào để Hollywood cất lên tiếng nói cho những vấn đề mang tính thời sự và mới mẻ, hay lại ráo hoảnh quay về “cái máng” cũ với những câu chuyện tình yêu đôi lứa hoặc là yêu gia đình yêu thiên nhiên cây cỏ muôn thuở?
Các nhà làm phim và các công ty Hollywood giờ đây phải đăm chiêu cân nhắc giữa bàn cân lợi nhuận và quyền sáng tạo, quyền được thỏa sức thể hiện quan điểm của mình trong các tác phẩm điện ảnh lớn. Nếu cứ “theo đường cũ ta đi”, những bom tấn Hollywood sớm muộn cũng sẽ trở thành bom tấn Trung Quốc nói tiếng Anh mà thôi